BÀI TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO VĂN HOÁ ỨNG XỬ HỌC ĐƯỜNG CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ
Lượt xem:
Kính chào quý thầy cô và các bạn học sinh thân mến!
Văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp. Văn hóa ứng xử học đường tạo niềm tin cho xã hội trong việc thực hiện các chức năng giáo dục của mình, đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai. Trường học là nơi rèn đức, luyện tài, trang bị kiến thức, phẩm chất, kĩ năng sống để học sinh phát triển toàn diện.
Đặc biệt, chúng em được học tập, rèn luyện ở ngôi trường THCS Phổ Nhơn thuộc địa bàn xã Phổ Nhơn. Các thầy, cô giáo tâm huyết hết lòng dạy dỗ, ứng xử đúng mực, quan tâm tới học trò, luôn đổi mới, sáng tạo trong từng bài dạy. Các bạn học sinh trường chúng em đều là những gương mặt ưu tú học tốt, chăm ngoan: những lời chào lễ phép khi gặp thầy cô; những lời hỏi han gần gũi với bác bảo vệ; là những nụ cười thân thiện, chân thành giữa bạn bè, giúp đỡ nhau trong học tập; là những buổi ngoại khóa tham gia nhiệt tình, tự tin, sáng tạo… Những hành vi ứng xử văn hóa đó đã góp phần tạo nên văn hoá học đường tại trường THCS Phổ Nhơn nói riêng và học sinh THCS trên địa bàn Thị xã Đức Phổ nói chung trong niềm ngưỡng mộ, yêu mến của các thầy cô và học sinh các trường bạn.
Song hiện nay, thời đại công nghệ phát triển, xã hội nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Một bộ phận các bạn trẻ dễ bị cuốn vào các tệ nạn xã hội, có những hành vi ứng xử lệch chuẩn. Thực trạng đó đã và đang xảy ra ở môi trường học đường. Thật buồn khi thấy một số bạn lơ là trong học tập, sa vào các trang mạng xã hội; có những lời nói, hành vi chưa văn minh với thầy cô, bạn bè. Đôi khi chỉ là những hiểu lầm nhỏ nhưng các bạn thiếu kĩ năng ứng xử, không kìm chế được bản thân nên dẫn đến xích mích mất đoàn kết với bạn bè…. Một số bạn chưa thực hiện nội quy lớp trường nghiêm túc, còn vứt rác bừa bãi, chưa chấp hành luật an toàn giao thông; Thầy cô đôi khi còn nóng nảy, chưa hiểu hết tâm lí học trò nên có giờ học còn căng thẳng, áp lực, hiệu quả chưa cao.
Từ thực trạng trên, nhóm chúng em đã chọn đề tài: “ Nâng cao văn hoá ứng xử học đường của học sinh trung học cơ sở ” làm đề tài nghiên cứu của mình và đi tìm hiểu sâu về việc nâng cao văn hoá ứng xử học đường ở học sinh THCS. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, chúng em đã chỉ ra nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao văn hoá ứng xử cho học sinh.
* Nguyên nhân dẫn đến thực trạng văn hoá ứng xử thiếu chuẩn mực ở HS THCS
– Sự giáo dục trong nhà trường: nặng về dạy kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người “Tiên học lễ – Hậu học văn”.
– Việc xử lý những sai phạm văn hoá ứng xử của học sinh trong nhà trường còn quá nhân nhượng chưa triệt để.
– Vấn đề giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử cho học sinh chưa đồng bộ trong hầu hết các môn học, đặc biệt là môn GDCD.
– Do sự giáo dục gia đình chưa phù hợp, thiếu sự quan tâm thậm chí là thờ ơ, vô trách nhiệm. Phần lớn bố mẹ các bạn đều đi làm cả ngày nên đã không có thời gian quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với các bạn. Bên cạnh đó những gia đình có điều kiện đã nuông chìu con quá mức.
– Do sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ.
– Chính quyền và các đoàn thể trong xã chưa tổ chức nhiều các buổi tuyên truyền giáo dục văn hoá ứng xử ở học sinh.
– Xã hội thờ ơ, dửng dưng, buông xuôi, chưa có sự quan tâm đúng mức, những giải pháp thiết thực, đồng bộ, triệt để.
– Do những tiêu cực, mặt trái của xã hội trong giai đoạn hiện nay làm ảnh hưởng đến học sinh như: Facebook, Zalo, các trang web tiêu cực, game, phim ảnh,.. làm cho các bạn bắt chước, học theo các hành vi ứng xử thiếu văn hóa mà không biết hành vi đó đúng hay sai.
– Do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân, non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống.
– Do học sinh chưa hiểu được tầm quan trọng của vấn đề văn hoá ứng xử nên đã dẫn đến các em bị tha hóa về đạo đức trong vấn đề ứng xử và dần mất đi phẩm chất lễ phép của người học sinh, ứng xử rất thiếu văn hóa. Ở đâu đó chúng em vẫn bắt gặp một số bạn còn chưa lễ phép với thầy cô, với người lớn tuổi. Có bạn vì những hiểu lầm nhỏ do không kìm chế được bản thân nên xích mích với bạn bè, có bạn chưa biết bảo vệ môi trường, còn vứt rác bừa bãi;….
– Chịu ảnh hưởng không tốt từ bạn bè, gia đình như bị bạn bè xấu dụ dỗ, lôi kéo….
* Các giải pháp chủ yếu
Để xây dựng văn hóa học đường, phải làm nhiều việc, bằng nhiều cách. Phải bắt đầu từ các cấp quản lý ngành, lãnh đạo các trường có chủ trương, kế hoạch triển khai, kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá; đó là điều kiện tiên quyết. Tiếp đến, đội ngũ nhà giáo phải chú ý giáo dục văn hóa, đây là nhân tố rất quan trọng. Và tất nhiên, toàn trường, đến từng người học, ai cũng phải chú trọng đến hình thành và phát triển nhân cách văn hóa. Để xây dựng văn hóa học đường trong các nhà trường, có thể triển khai các giải pháp cụ thể sau:
– Trên cơ sở bộ Quy tắc ứng xử của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, trường học soạn thảo và ban hành bộ Quy tắc ứng xử hoặc lồng ghép các Quy tắc ứng xử vào nội quy nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với từng đối tượng HS cũng như đặc điểm tình hình của từng địa phương.
– BGH nhà trường cần phải đưa ra các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi ứng xử thiếu văn hóa không phù hợp với môi trường giáo dục, các hình thức xử phạt nghiêm khắc này không chỉ dành riêng cho học sinh mà còn áp dụng đối với cả giáo viên.
– Tạo điều kiện, tổ chức cho các bạn tuyên truyền giới thiệu về văn hoá ứng xử cho các bạn học sinh trong giờ chào cờ, tổ chức lồng ghép vào các môn học như hoạt động trải nghiệm,giáo dục công dân, giáo dục địa phương,… nhằm nâng cao nhận thức và giáo dục cho các em về các lĩnh vực đạo đức, kĩ năng giao tiếp,… như thăm các di tích lịch sử, học tập truyền thống cách mạng lịch sử hào hùng của dân tộc….
– Bên cạnh đó nhà trường chỉ đạo vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa và sinh hoạt câu lạc bộ các môn học xã hội, tự nhiên, các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp nên lồng ghép chủ đề văn hoá ứng xử để giúp các bạn thường xuyên cập nhật những thông tin mới.
– Thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường, phối hợp với cha mẹ học sinh, các đoàn thể, cơ quan chuyên môn nhằm hỗ trợ tư vấn tâm lý, giới tính, sức khoẻ sinh sản,… góp phần quan trọng xây dựng văn hoá ứng xử của học sinh trong và ngoài trường.
– Tham mưu đề xuất cho chính quyền địa phương, phòng GD-ĐT Thị xã Đức Phổ những giải pháp em đưa ra.
– Phối hợp cùng địa phương, tham gia tuyên truyền giới thiệu văn hoá ứng xử học đường.
– Xây dựng các diễn đàn như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” … cũng như tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu, giáo dục về văn hoá ứng xử để trang bị cho HS những kĩ năng sống, kĩ năng ứng xử, kĩ năng xây dựng tình bạn đẹp, nêu gương và nhân rộng các mô hình hoạt động, các câu chuyện về tình bạn đẹp,….
– Khuyến khích các em đọc sách nhằm nâng cao các kỹ năng trong các buổi giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa của Đội TNTP, Đoàn TNCS tổ chức.
– Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực.
– Thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình. Khi thấy trẻ có thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực thì nhắc nhở trẻ chỉnh sửa ngay. Nên quan tâm chia sẻ, tâm sự với các em, giáo dục văn hoá ứng xử đúng đắn để các em cảm thấy thoải mái hơn, giúp các em có cách cư xử với mọi người lễ phép, văn hóa hơn. Sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường thể hiện trong việc thường xuyên có sự trao đổi từ hai phía.
– Phối hợp với các đoàn thể tổ chức xã hội như Công an xã, Đoàn thanh niên,… thường xuyên kiểm tra nếp sống văn hóa, tăng cường tuần tra, kiểm tra hiện tượng các em đi khuya về muộn, để kịp thời thông báo với nhà trường có biện pháp xử lý. Có những hình thức xử lý thích đáng với những bộ phận, những đối tượng có mục đích lợi dụng học sinh về cả tâm hồn và thể xác. Hạn chế những tụ điểm ăn chơi xung quanh địa bàn các trường học.
– Sau khi được biết đến văn hoá ứng xử học đường các bạn nên tự giác học tập tích lũy kiến thức, kĩ năng, phẩm chất qua các giờ học, qua hoạt động giao tiếp ứng xử với thầy cô, bạn bè và người lớn. Sau đó, trao đổi giới thiệu cho tất cả bạn bè trong trường, trong lớp và bạn bè ở những địa phương khác để có tính lan tỏa trong cộng đồng.
– Về nhà chia sẻ và tuyên truyền đến người thân trong gia đình để mọi người đều hiểu và biết đến văn hoá ứng xử, từ đó có cái nhìn tổng thể về văn hoá ứng xử.
– Tích cực trong việc học, cụ thể là tích cực, chủ động trao đổi với giáo viên về nội dung, nguyện vọng học tập, suy nghĩ, thắc mắc,.. của mình để giáo viên có cơ sở giải quyết các thắc mắc của các em.
– Chủ động tham gia các hoạt động, phong trào của trường trong khả năng và điều kiện của mình để giúp rèn luyện cho bản thân một số kỹ năng cần thiết.
Thông qua đề tài “ Nâng cao văn hoá ứng xử học đường của học sinh trung học cơ sở”, chúng em hi vọng những kiến thức chúng em cung cấp có thể giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn về văn hóa ứng xử học đường hiện nay và có trách nhiệm chung tay xây dựng nó trở nên ngày càng tốt đẹp hơn. “Văn hóa ứng xử” là cụm từ để người khác có thể dùng để đo nhân cách của một con người. Vai trò của văn hóa ứng xử hiện nay vô cùng quan trọng, vì thế chính bạn đang xây dựng con người của mình qua lời nói cũng như hành động hàng ngày. Hãy luôn “soi” mình để có thể thấy được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và không ngừng cố gắng tôi luyện để trở nên hoàn thiện hơn, đóng góp một phần sức trẻ cho công cuộc xây dựng nền văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp.
Tác giả: Nhóm đề tài trường THCS Phổ Nhơn